Ngày đăng: 03/11/2023
Luật đo lường định nghĩa Kiểm định là hoạt động đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu kỹ thuật đo lường. Theo Thông tư 23/2013/TT-BKHCN, kiểm định là biện pháp kiểm soát về đo lường do tổ chức kiểm định phương tiện đo được chỉ định thực hiện để đánh giá, xác nhận phương tiện đo đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường.
Trước khi Luật đo lường và các văn bản dưới luật ra đời thay thế cho Pháp lệnh đo lường của Hội đồng nhà nước số 43-LCT/HĐNN8, thì định nghĩa kiểm định Nhà nước, theo Pháp lệnh này, là việc xác định và chứng nhận của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường hoặc cơ sở được uỷ quyền kiểm định Nhà nước về tính năng đo lường và sự hợp pháp của phương tiện đo lường theo quy trình kiểm định được quy định trong các tiêu chuẩn Việt Nam. Nội dung quy định các phương tiện đo là:
1- Phương tiện đo lường có liên quan đến việc xác định lượng hàng hoá khi mua bán, giao nhận;
2- Phương tiện đo lường có liên quan đến việc bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ và môi trường;
3- Phương tiện đo lường có liên quan đến việc giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác của Nhà nước.
Danh mục cụ thể phương tiện đo lường phải được kiểm định Nhà nước và chu kỳ kiểm định các phương tiện đo lường này do Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng quy định.
Hiện tại, danh mục đo lường được quy định trong Thông tư 23/2013/TT-BKHCN. Như vậy các dạnh mục thiết bị này được coi như là thuộc về thiết bị nhóm 2. Nhóm 2 bao gồm các thiết bị dùng để thực hiện các phép đo, được thực hiện để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác.
Theo Luật đo lường, hiệu chuẩn là hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo. Các phương tiện đo nhóm 1 là các phương tiện đo được sử dụng để đo, trong đó các phép đo này được thực hiện trong nghiên cứu khoa học, điều khiển, điều chỉnh quy trình công nghệ, kiểm soát chất lượng trong sản xuất hoặc các mục đích khác (nhóm 1).
Cũng theo Luật đo lường, chuẩn công tác dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 phải được hiệu chuẩn bắt buộc. Tuy nhiên, chuẩn chính, chuẩn công tác không dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 và các phương tiện đo nhóm 1 được hiệu chuẩn tự nguyện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bản chất kỹ thuật của hiệu chuẩn và kiểm định giống nhau, đó là việc so sánh kết quả đo của phương tiện đo với chuẩn để đánh giá sai số và các đặc trưng kỹ thuật đo lường khác của nó. Khác nhau là kiểm định là hoạt động mang tính pháp chế (theo yêu cầu của pháp luật), các thiết bị được yêu cầu trong danh sách trang thiết bị trong các văn bản luật hoặc dưới luật. Các trang thiết bị khác không được quy định sẽ được thực hiện hiệu chuẩn theo yêu cầu của bên có nhu cầu đối với đơn vị cung cấp dịch vụ hiệu chuẩn.
Ngoài ra, một số đặc điểm khác nhau dễ nhận thấy giữa thông tin mà bên có nhu cầu hiệu chuẩn kiểm định sẽ tìm thấy trên giấy chứng nhận kiểm định hiệu chuẩn là:
Trên giấy chứng nhận kiểm định, không có các thông tin chi tiết về các kết quả đo, mà chỉ có các kết luận đạt hay không đạt. Trong khi đó trên giấy chứng nhận hiệu chuẩn, các thông tin chi tiết của kết quả đo (thường được đưa ra dưới dạng bảng số liệu, bao gồm giá trị của chuẩn đo lường, kết quả thể hiện trên thiết bị đang được hiệu chuẩn, sai số của phép đo, độ không đảm bảo đo của phép đo) được trình bày.